“Khi đến thế gian, tôi không có gì cả. Khi rời thế giới này, tôi cũng không mang theo gì cả. Tôi không muốn lưu lại vết tích gì ở cõi đời, vì tôi từ hư không đến và sẽ trở về với hư không”.
Lời di huấn hùng hồn của cố Hòa thượng Tuyên Hóa nhắc nhở chúng ta về lời dạy của Phật Thích Ca trong kinh Kim Cang:
Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng, huyễn, bọt, bóng,
Như sương, cũng như điện,
Nên quán sát như thế”.
Thật vậy, dẫu có để lại công nghiệp hoằng dương Phật pháp vĩ đại tại Tây Phương trên ba mươi năm ròng, như tiếp độ biết bao đệ tử xuất gia và tại gia, tạo lập hơn ba mươi đạo tràng và học đường lớn nhỏ, cùng thuyết pháp và phiên dịch hàng trăm kinh điển Đại Thừa, nhưng đối với cố Hòa thượng Tuyên Hóa, Ngài xem những công nghiệp đó như huyễn và như việc: ‘Trong mộng làm Phật sự’, vì đã thể nhập với chân như pháp tánh thường trụ, không còn bốn tướng: ‘Nhân, ngã, chúng sanh, thọ giả’
Tuy nhiên, với phàm phu ngu si hữu lậu chúng ta làm sao quên được công đức sâu dày và công nghiệp vĩ đại mà Ngài đã để lại cho những kẻ hậu lai! Vậy, chúng ta hãy cùng nhau đọc qua hành trạng của Ngài được gói gém trong quyển sách nhỏ này để noi gương theo Ngài cùng các bậc Hiền Thánh Tăng mà dũng mãnh tiến bước trên đạo lộ giác ngộ.
Tựu chung, hành trạng của Ngài được tóm tắt như sau:
Đại lão Hòa thượng Độ Luân, tự Tuyên Hóa, tục danh Bạch Ngọc Thư, xuất thân tại huyện Song Thành tỉnh Kiết Lâm (Tùng Giang, đông bắc Trung Quốc), vào ngày mười sáu tháng ba âm lịch, năm 1918. Thân phụ của Ngài tên là Bạch Phú Hải, chuyên làm nghề nông. Thân mẫu của Ngài thuộc dòng dõi họ Hồ. Ngài là người con út trong gia đình tám anh chị em. Khi Ngài chào đời cũng là lúc bà mẹ cảm thấy như có mùi hương kỳ diệu lan tỏa khắp căn phòng sau cơn mộng thấy Phật A Di Đà hiện thân phóng ánh hào quang, chiếu sáng khắp thế gian, chấn động trời đất
Năm mười một tuổi, Ngài sớm nhận biết lý vô thường của nhân sanh vũ trụ. Để báo đền công ơn sanh thành dưỡng dục của song thân, ơn đức của các bậc thánh hiền, cùng để chuyển hóa tâm niệm của các kẻ xấu, vào những đêm khuya thanh vắng, Ngài thường ra sân nhà để lễ hơn tám trăm lạy, chẳng quản gió mưa, khi vừa tròn mười hai tuổi. Song song với sự lễ bái, ngày ngày Ngài kính phụng cha mẹ như kính thờ chư Phật, nên thanh danh hiếu thảo lan truyền khắp nơi với biệt danh ‘Bạch Hiếu Tử (người con chí hiếu họ Bạch)’.
Sau khi chu toàn việc mai táng người mẹ khi bà qua đời vào năm 1936, Ngài đến chùa Tam Duyên, lễ Hòa thượng Thường Nhân làm Thầy, xuất gia thọ giới Sa Di, rồi trở lại phần mộ của mẹ hiền để hành hạnh thủ hiếu ba năm liền, chẳng kể gió mưa sương tuyết; năm đó, Ngài mới tròn mười chín tuổi. Với tâm thành báo hiếu thân mẫu, với việc phát mười tám đại nguyện, và với công hạnh tu hành tụng kinh, bái sám, tọa thiền, Ngài đã cảm hóa những kẻ hữu duyên cũng như được Lục Tổ Huệ Năng thị hiện ấn chứng và thọ ký cho việc hoằng dương Phật pháp ở Tây Phương sau này.