Vào khoảng thế kỷ thứ sáu trước công nguyên, nếu tại Trung Hoa có Khổng tử và Lão tử, tại Ba Tư (Iran) có đạo thờ lửa (Zoroaster), tại Hy lạp có Socrates và Platon thì tại Ấn độ có Mahavira (nhà thành lập đạo Kỳ-na giáo) và Đức Phật Thích ca Mâu ni... Phải nói đây là thời kì hoàng kim của các tôn giáo, đặc biệt tại Á Đông. Đức Thế Tôn đã xuất hiện ra nơi đời, ngài đản sanh tại Lâm-tỳ-ni, thành đạo tại Bồ-đề-đạo-tràng, chuyển bánh xe pháp tại Sãrnãtha (Vườn Nai - Lộc Uyển) và nhập niết bàn tại Câu-thi-na.... Với bài pháp đầu tiên - kinh Chuyển Pháp Luân (Dhamma-chakka-pavattana sũtta) mà Đức Thế Tôn tuyên thuyết tại Vườn Nai, đã trình bày về bốn chân lý cao thượng (chân lý về khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường dẫn đến sự diệt khổ). Bốn chân lý cao thượng xuyên suốt Tám con đường chân chánh (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, cháng mạng, chánh tinh tấn, chánh định và chánh niệm) đã hướng dẫn biết bao chúng sanh giải thoát từ dòng sông đau khổ đến bến bờ cực lạc hạnh phúc. Đây là giáo lý căn bản, khởi điểm, khuôn khổ luân lý của đạo Phật do Đức Thế Tôn chứng nghiệm, tuyên thuyết sau khi giác ngộ và suốt bốn mươi chín năm còn lại, ngài đã đi du hóa khắp đó đây cũng là để chỉ cho chúng sanh thấy rõ khổ và con đường thoát khổ. Vì thế, có thế nói Sãrnãtha hay Vườn Nai là chiếc nôi của Phật giáo để từ đó Phật pháp có thể lan chảy khắp nơi.