1. Thuyết minh sự dài ngắn của thời gian tu.
Hết thảy chúng sanh không ai là không chán khổ thích sướng. Ai cũng sợ trói buộc, mong cầu giải thoát, ai cũng muốn sớm chứng đắc vô thượng Bồ-đề. Vì vậy, trước tiên cần phải phát khởi Bồ-đề tâm, mà tâm Bồ-đề này rất khó biết, rất khó phát khởi. Cho dù đã phát tâm Bồ-đề, trong kinh nói, phải trải qua tu mười công đức tín tâm, tinh tấn, ức niệm, giới luật, thiền định, trí tuệ, xả tâm, hộ pháp, phát nguyện, hồi hướng mới tiến bộ trên con đường Bồ-đề. Lại nữa cái thân thể tu tập này, còn phải trải qua thời gian lâu xa một vạn kiếp tương tục không ngừng mới chứng được quả vị bất thối.
Nhưng phàm phu hiện tại, trước mắt chỉ được gọi niềm tin nhẹ như lông hồng, cũng gọi là tên gọi giả có, cũng gọi là bất định tụ, cũng gọi là ngoại phàm phu, chưa thể ra khỏi ngôi nhà lửa tam giới. Vì sao biết? Bởi vì căn cứ trong kinh Bồ-tát Anh Lạc nói, thì hoàn toàn phải đầy đủ những quả vị vào đạo chính là như vậy, cho nên gọi là đường khó đi.
Lại nữa trong một kiếp, thân trải qua sống chết đếm không xuể, huống hồ gì trong một vạn kiếp, luôn chịu đau khổ lửa đốt. Nếu tin được những lời Phật nói trong kinh, phát nguyện cầu sanh Tịnh độ, bất luận đời này thọ hay yểu, chỉ cần vãng sanh, thì liền được lên ngôi bất thoái, ngang với công đức tu một vạn kiếp. Này chư Phật tử, sao không thử nghĩ xem, bỏ con đường khó đi, mà chuyển qua tu con đường dễ đi?
Trong luận Câu Xá, cũng có đề cập đến đường dễ đi và đường khó đi. Trong luận nói, con đường khó đi là mỗi kiếp trong ba đại a-tăng-kỳ kiếp đều phải đầy đủ tư lương phước đức, trí tuệ, còn phải tu lục độ vạn hạnh. Và trong mỗi pháp tu, còn phải trải qua hàng vạn con đường khó đi, mới chứng được một quả vị, đây gọi là đường khó đi.
Luận ấy lại nói, đường dễ đi là có pháp môn phương tiện đặc biệt, mà đạt đến mục đích giải thoát, đây gọi là đường dễ đi.
Bây giờ khuyên mọi người quy hướng thế giới Cực Lạc, đem hết công đức tu tập hồi hướng vãng sanh Tịnh độ. Chỉ cần hết lòng niệm Phật, thì khi mạng chung nhất định vãng sanh. Chỉ cần được sanh lên nước ấy, thì liền được khoái lạc, đó không phải là con đường dễ đi sao? Mọi người phải biết lý này!
2. Trả lời câu hỏi:
Anh nói chỉ cần phát nguyện vãng sanh Tịnh độ, thì sau khi mạng chung, liền được vãng sanh, có kinh nào chứng minh không?
Trả lời: Có. Có tới mấy kinh luận minh chứng điều này.
a. Trong kinh Vô Lượng Thọ nói, Phật bảo A-nan: “Nếu có chúng sanh muốn trong đời này thấy Phật Vô Lượng Thọ, thì nên phát tâm Bồ-đề vô thượng, tu các công đức, phát nguyện sanh về nước Vô Lượng Thọ, thì liền được vãng sanh.”
Cho nên kinh Vô Lượng Thọ khen ngợi: “Nếu nghe danh hiệu của Phật A-di-đà, liền phát khởi tâm hoan hỷ tán thán ngưỡng mộ quy y, thậm chí chỉ cần khởi một niệm tâm này, liền thu được lợi ích rất lớn, liền đầy đủ bảo tạng công đức. Chỉ cần nghe danh hiệu của Phật A-di-đà, liền được không còn thoái chuyển, cho nên phải dùng tâm chí thành đảnh lễ Phật A-di-đà.”
b. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ nói, trong cửu phẩm, chỉ cần khi lâm chung tâm chánh niệm, thì liền được vãng sanh.
c. Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận nói, phải dạy các chúng sanh, khuyên mọi người quán chiếu tánh chân như là bình đẳng, đồng nhất, chân thật. Có những Bồ-tát mới bắt đầu phát tâm Bồ-đề, tâm họ còn rất yếu, cho rằng nếu chính mình không thường gặp được chư Phật, được chư Phật dạy dỗ, được cúng dường chư Phật, tì có thể sẽ thối tâm. Như Lai có pháp môn phương tiện thù thắng, để thâu nhiếp thủ hộ tín tâm của họ, chính là phải chuyên tâm niệm Phật, liền được theo sở nguyện mà vãng sanh Tịnh độ. Nhờ thường được thấy Phật, nên vĩnh viễn xa rời ác đạo.
d. Trong kinh Cổ Âm Đà-la-ni, Phật bảo các Tỳ-kheo: “Ở Thế giới Cực Lạc phương ây, hiện tại có Phật hiệu A-di-đà. Nếu bốn chúng đệ tử với tâm chánh tín thọ trì danh hiệu Phật A-di-đà, với tâm kiên cố nhớ Phật A-di-đà, trong mười ngày đêm, liền hết loạn tâm, rất tinh tiến siêng năng tu tập Niệm Phật Tam-muội. Nếu niệm niệm không ngừng, trong mười ngày đêm, chắc chắn sẽ thấy Phật A-di-đà, cũng được vãng sanh về nước Cực Lạc.
e. Trong kinh Pháp Cổ nói: “Nếu có người khi lâm chung, không niệm Phật được, nhưng biết phương tây có Phật, trong lòng khởi niệm cầu vãng sanh Tịnh độ, cũng được vãng sanh.”
g. Trong kinh Thập Phương Tuỳ Nguyện Vãng Sanh nói: “Nếu có người bên lề cái chết, hoặc sau khi chết đoạ địa ngục, nếu bà con quyến thuộc niệm Phật, tụng kinh, trai tăng hồi hướng phước đức cho người chết, người chết liền ra khỏi địa ngục, mà được sanh về Tịnh độ.” Huống hồ bây giờ chính mình niệm Phật, tại sao không được vãng sanh?”
Cho nên kinh ấy lại nói: “Người sống làm phước cho người chết, như cúng cho ông bà tổ tiên, nhất định người chết hưởng được.”
h. Dẫn dụng các kinh chứng minh, trong kinh Đại Pháp Cổ nói: “Nếu thiện nam tử thiện nữ nhân, hết lòng xưng danh hiệu chư Phật, thì chư Phật và thánh chúng trong mười phương luôn hiện tiền trước mặt. Vì thế bộ kinh này, có tên là Đại Pháp Cổ. Nên biết, người này có thể theo tâm nguyện của mình mà vãng sanh lên các cõi Tịnh độ trong mười phương.”
Kinh Đại Bi nói: “Sao gọi là đại bi? Nếu một lòng niệm Phật, tâm chuyên nhất tương tục, thì sau khi mạng chung, nhất định sanh về nước An Lạc. Còn nếu khuyên người khác niệm Phật, thì những người này đều được gọi là tu hành đại bi tâm.”
Cho nên trong kinh Niết-bàn, Phật nói với đại vương: “Giả sử đại vương mở kho lớn, trong một tháng bố thí hết đồ trong kho, thì công đức có được không bằng công đức của một người niệm một danh hiệu Phật. Công đức của người niệm Phật, hơn những người bố thí trên nhiều không thể tính đếm.”
Trong kinh Tăng Nhất A-hàm, Phật hỏi A-nan: “Nếu có một người cúng dường cho tất cả những người của cõi Diêm-phù này cơm ăn, áo mặc, giường nằm, thuốc thang thì công đức mà người ấy thu được có nhiều không?”
A-nan trả lời: “Thưa đức Thế tôn, rất nhiều.”
Phật bảo A-nan: “Nếu một người xưng danh hiệu Phật với tâm chuyên nhất, thời gian chỉ cần ngắn như búng tay, thì công đức của người ấy vượt hơn người kia không thể tính đếm.”
Trong kinh Đại Phẩm nói: “Nếu có người niệm Phật với tâm tán loạn, cho đến mạng chung, thì phước báo cũng rất lớn. Nếu có người rải hoa đồng thời niệm danh hiệu Phật, cho đến mạng chung, thì phước báo cũng nhiều vô số.” Cho nên biết lợi ích niệm Phật rất lớn, là không thể nghĩ bàn.
Ngoài ra, kinh Thập Vãng Sanh và các kinh đại thừa đều có nói lợi ích của việc niệm Phật, nhưng nhiều quá không thể mỗi mỗi đều dẫn ra.